Ở lại hay về nước khi học xong ở nước ngoài: Câu chuyện còn đó

Mục tiêu cao nhất khi theo đuổi giấc mơ du học, học tập môi trường nước ngoài vẫn là mong muốn tiếp cận và lĩnh hội được nền tri thức chất lượng cao. Nhưng điều đó không làm mờ đi ý định, cũng có thể là mục tiêu thứ hai, là có được một công việc có khoản thu nhập xứng đáng sau khi tốt nghiệp, khi đi làm. Tuy nhiên môi trường, hoàn cảnh làm việc sau này – nước ngoài (ở lại), trong nước (quay về) – là vấn đề được nhiều bạn trẻ băn khoăn, không ít những trăn trở.

Lựa chọn là quyền ở mỗi người

Không ai có thể giới hạn, ngăn cấm hay ép buộc định hướng của bạn sau khi có bằng du học nước ngoài là sẽ phải ở lại (hoặc sang một quốc gia khác mà không phải là về nước) làm việc hay về làm việc trong nước. Có chăng đó là những lời khuyên, tư vấn tham góp từ người thân, bạn bè muốn bạn chín chắn trong quyết định tương lai của mình mà thôi.

Tốt nghiệp xong, sau chặng đường du học tại một quốc gia nào đó đồng nghĩa với việc bạn cũng đã có sự trưởng thành trong suy nghĩ, bản lĩnh trong định hướng và kiên định trong lập trường. Việc tìm một công việc ở nước sở tại (hay tại một quốc gia khác trên thế giới) hoặc về nước làm cho một tổ chức nào đó, nếu không có thể đứng ra thành lập, trở thành CEO của một tổ chức (hiện nay phổ biến là các "start-up") hoàn toàn là những lựa chọn bạn có thể tự quyết. Tương lai là của bạn vì tương lai nằm trong chính quyết định của bạn.

Ở lại hay về nước khi học xong ở nước ngoài: Câu chuyện còn đó

Như trường hợp của Châu Thanh Vũ, chàng trai xuất sắc nhận 8 học bổng toàn phần nghiên cứu sinh của nước ngoài và hiện là nghiên cứu sinh của Đại học Harvard (Mỹ), trong một cuộc trao đổi gần đây có chia sẻ: "Tôi quyết định sẽ về". Anh còn cho rằng trở về quê hương làm việc, cống hiến là "nghĩa vụ" của những du học sinh. Đó là quyết định của Thanh Vũ và trong mọi lí do đó luôn là quyết định đúng bởi đó là định hướng từ tư tưởng, dự định của chàng trai trẻ 9x.

Nếu có giá trị, dù bất kì đâu bạn vẫn là người cống hiến cho Tổ quốc

Chúng ta, quả thật, không nên đặt nặng vấn đề ở lại hay trở về làm việc tại quê hương, bởi như đã nói, điều đó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là hoàn cảnh mỗi người. Chẳng hạn một bạn trẻ học xong nước ngoài có gia đình đã định cư luôn ở nước sở tại hoặc quốc gia khác thì việc tìm "đất dụng võ" sau khi tốt nghiệp tại nước ngoài là lựa chọn khả dĩ hơn. Đưa ra ví dụ nhỏ như vậy để thấy rằng vấn đề chúng ta đang nói tới ở đây thực sự có muôn hình vạn trạng.

Tuy nhiên, theo một cách nhìn lạc quan, cởi mở thì bạn có thể làm việc, sinh sống ở bất kì đâu trên Trái đất này miễn sao bạn vẫn giữ được cốt cách, phẩm chất con người Việt Nam và luôn hướng về quê hương, xứ sở thì các điều khác sẽ trở nên không còn quá quan trọng nữa. Chúng ta vẫn thấy những cống hiến to lớn từ hoạt động hướng về quê hương một cách sôi nổi, thiết thực của các cộng đồng người Việt đang sinh sống tại khắp nơi trên thế giới, dĩ nhiên trong đó có những bạn trẻ, những người ở lại sau khi tốt nghiệp và có bằng du học nước ngoài. 

Ở lại hay về nước khi học xong ở nước ngoài: Câu chuyện còn đó

Và gần gũi hơn là hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu, hiện nay ông vẫn sống, làm việc tại đại học nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên có những đóng góp quan trọng cho Toán học Việt Nam thông qua hoạt động cụ thể ở Viện Toán học, các hoạt động xã hội khác ở trong nước. Và chắc chắn không thiếu những trường hợp cụ thể, sinh động khác để khẳng định tính đúng đắn cho quan điểm "nếu có giá trị, dù bất kì đâu bạn vẫn là người cống hiến cho Tổ quốc".

Hãy tự tin đưa ra quyết định cho bản thân. Có thể khi đó sẽ xuất hiện hai con đường lựa chọn - ở lại hay về nước – nhưng chọn hướng nào đi chăng nữa thì con đường bạn chọn luôn đúng khi trong bạn luôn có hình bóng hai chữ "quê hương".

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

icon icon icon